Viêm mũi là một bệnh lý đường hô hấp mà rất nhiều trẻ nhỏ gặp phải mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nếu không được xử trí, điều trị đúng cách. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi ở trẻ nhỏ, hãy cùng giải đáp các câu hỏi dưới đây.
1. Viêm mũi cấp kéo dài bao lâu?
Khác với viêm mũi mạn tính kéo dài, viêm mũi cấp tính là các đợt viêm đột ngột chỉ kéo dài trung bình từ 5-7 ngày.
2. Viêm mũi cấp thường gặp ở lứa tuổi nào?
Viêm mũi cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Điều này là do cấu trúc đường thở của trẻ chưa hoàn thiện cộng với hệ miễn dịch non yếu nên dễ bị các mầm bệnh tấn công.

3. Viêm mũi cấp có cần uống kháng sinh?
Trong trường hợp viêm mũi phù nề xuất hiện nhiễm trùng, dịch mũi nhầy đục, đặc biệt là nhiễm trùng lan rộng sang các cấu trúc tai, xoang, họng thì cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua kháng sinh về uống, không nên tăng, giảm liều lượng hoặc rút ngắn hay kéo dài thời gian uống thuốc nhằm tránh nguy cơ kháng kháng sinh.
4. Viêm mũi cấp có nguy hiểm không?
Viêm mũi cấp không có biến chứng thì không gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu xuất hiện các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đường hô hấp dưới thì có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm túi lệ, viêm màng não, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
5. Có cách nào chữa viêm mũi cấp mà không cần dùng thuốc không?
Nếu mới bị viêm mũi cấp và lúc này chưa xảy ra nhiễm trùng, không có biến chứng thì người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà để làm giảm các triệu chứng nghẹt, chảy nước mũi và đau nhức như sau:
- Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi họng hàng ngày;
- Xông hơi với nước ấm;
- Uống các loại trà thảo dược như trà gừng, trà hoa cúc, trà mật ong;
- Dùng máy xông tinh dầu;
- Thêm tỏi, gừng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng;
- Ăn cháo nấm gà để tăng cường dinh dưỡng, làm giảm các triệu chứng của cúm;
- Tránh ăn/uống đồ lạnh;
- Chườm ấm vùng mũi.
- Nếu viêm mũi cấp tính do cảm cúm, phương pháp xông hơi giải cảm bằng cách đun các loại lá như sả, bồ kết, lá bưởi, gừng, hương nhu, tờ bi (cúc tần) cũng rất hiệu quả.

6. Viêm mũi cấp tính có lây không?
Nếu viêm mũi cấp tính có nguyên nhân từ virus, vi khuẩn thì bệnh có lây nhiễm. Đặc biệt là các vi rút cúm, vi rút sởi có tốc độ lây lan rất nhanh và thường bùng phát theo một mùa nhất định trong năm.
Viêm mũi cấp tính ở trẻ em rất dễ điều trị nếu không có biến chứng. Việc điều trị các biến chứng sẽ phức tạp hơn và thời gian phục hồi chậm hơn, vì vậy chúng ta nên điều trị bệnh ngay từ sớm và tốt nhất là nên nâng cao việc phòng ngừa để tránh bị nhiễm bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể đe dọa tính mạng nếu các biến chứng nguy hiểm xảy ra, nhất là ở trẻ nhỏ.