Lúc nóng, lúc lạnh, kèm theo những cơn mưa ngắn là điều kiện thời tiết lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển. Tỷ lệ trẻ nhập viện vì viêm phế quản tăng cao, vậy cần làm gì khi trẻ bị viêm phế quản, phòng bệnh thế nào cho hiệu quả?
1. Viêm phế quản là gì?
Phế quản là cơ quan thuộc đường hô hấp dưới; nơi tiếp nhận không khí cuối cùng từ mũi qua hầu họng, thanh quản và khí quản. Có thể hình dung cấu trúc của phế quản có dạng như hình rễ cây với 23 bậc phân chia tạo thành mạng lưới chằng chịt để đảm bảo chức năng chia nhỏ luồng khí và trao đổi hiệu quả giữa môi trường – phổi, cung cấp đủ dưỡng khí cho cơ thể.
Bệnh lý viêm phế quản xảy ra khi một hoặc nhiều đoạn trong hệ thống phế quản bị viêm, sưng tấy và có nhiều dịch nhầy gây cản trở hô hấp.
Viêm phế quản ở trẻ thường diễn biến trong vòng 48 giờ với triệu chứng rõ ràng, sau đó bệnh kéo dài từ 1 – 2 tuần trước khi khỏi hoàn toàn. Viêm phế quản cấp tính khi không được điều trị phù hợp, hoặc các đợt nhiễm trùng đường hô hấp tái đi, tái lại nhiều lần, khi đó bệnh phát triển thành viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản mạn tính ở trẻ khó điều trị, dễ biến chứng nguy hiểm nên cần dự phòng ngay từ giai đoạn sớm của bệnh.
2. Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch kém và chưa ổn định ở trẻ là một trong số nguyên nhân gây nên viêm phế quản. Khi đó virus và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công các bé, gây nhiễm trùng đường hô hấp.
So với viêm phế quản do vi khuẩn thì virus gây viêm phế quản phổ biến hơn, là nguyên nhân gây ra 60 – 70% trường hợp trẻ mắc bệnh, thường xuất hiện theo mùa và tự thuyên giảm, việc điều trị thường chỉ là điều trị triệu chứng.
Viêm phế quản do vi khuẩn chiếm khoảng từ 30 đến 40% trường hợp, phổ biến nhất là các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu,… Ở các nước đang phát triển như nước ta do môi trường sống còn thiếu vệ sinh nên viêm phế quản do vi khuẩn cũng tương đối phổ biến.
Nhìn chung, trẻ thuộc nhóm các đối tượng sau có nguy mắc viêm phế quản cao hơn so những trẻ khác:
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, khói thuốc,…
- Trẻ nhỏ sống trong không gian ẩm mốc, chật chội, độ ẩm cao.
- Trẻ có người thân trong gia đình có tiền sử bị hen suyễn.
- Trẻ có tiền sử dị ứng đường hô hấp với các tác nhân ngoại lai đến từ môi trường như phấn hoa, lông động vật,…
- Trẻ sinh non, béo phì, thừa cân, suy giảm miễn dịch bẩm sinh…
Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản ở trẻ
Trẻ có nguy cơ mắc viêm phế quản nếu xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Trẻ thường hay ho khan hoặc ho có đờm, các cơn ho kéo dài.
- Trẻ thường hay có triệu chứng khò khè.
- Chảy nước mũi, thường là trước khi xuất hiện các cơn ho.
- Tổng thể cơ thể khó chịu hoặc cảm thấy không khỏe, biếng ăn, dễ nôn trớ.
- Thở gấp và thở ngắn hơn bình thường
- Sốt cao kèm theo triệu chứng thở khò khè.
- Dịch mũi có màu xanh.
- Đau họng.
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường có triệu chứng ho hay sốt thông thường vì vậy những bậc phụ huynh thường hay chủ quan. Khi bệnh trở nặng dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi,… thậm chí tử vong. Nếu cơn ho của trẻ kéo dài đến tuần thứ 2 hoặc xuất hiện bất cứ triệu chứng tăng nặng nào, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để thăm khám kịp thời.
Điều trị viêm phế quản ở trẻ khi giao mùa
Điều trị viêm phế quản ở trẻ do virus chủ yếu là điều trị giảm nhẹ triệu chứng bệnh như: dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau và ngăn ngừa bội nhiễm. Đặc biệt lưu ý chế độ dinh dưỡng, chăm sóc để tăng cường sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh. Việc dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp này không có tác dụng điều trị viêm phế quản mà còn gây tăng khả năng đề kháng kháng sinh, gây hệ lụy cho sức khỏe sau này.
Đề điều trị viêm phế quản ở trẻ do vi khuẩn bắt buộc phải dùng kháng sinh và cần cho trẻ uống đúng với liều lượng và số lần dùng trong ngày theo chỉ dẫn bác sĩ. Các trường hợp trẻ bị viêm phế quản nặng cần nhập viện điều trị nội trú với kháng sinh toàn thân, đồng thời có thể theo dõi sát sao tiến triển bệnh, can thiệp khi có biến chuyển bệnh nguy hiểm.
Trẻ có tiền sử tái đi tái lại viêm phế quản cần được dự phòng và chăm sóc đúng cách, nếu để tình trạng bệnh tái đi tái lại có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Có thể dùng các thuốc Đông y có nguồn gốc thảo dược được Bộ Y tế cấp phép để dự phòng và kết hợp điều trị viêm phế quản cho trẻ. Tuy công dụng chữa trị chưa thấy ngay trước mắt, nhưng về lâu dài hiệu quả rất cao và với khả năng nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ thì có thể giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa.
Nguồn: Báo Sức Khỏe & Đời Sống